Header Ads Widget

Làm gì khi trẻ bị cúm

Bệnh cúm ở trẻ do virus cúm gây ra, đây là bệnh thường lành tính, tuy nhiên cũng có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm họng, viêm kết mạc, viêm phổi.

1. Các đường lây nhiễm bệnh cúm ở trẻ

Bệnh cúm do virus cúm gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân và xảy ra hàng năm, các chủng virus cúm cũng thay đổi mỗi năm. Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải bệnh cúm, khi mắc bệnh, trẻ thường bị lâu hơn so với người lớn. Dưới đây là các đường lây nhiễm bệnh cúm ở trẻ:

- Lây trực tiếp từ người sang người: Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị cúm, thông qua giao tiếp, nói chuyện, bắt tay, ôm hôn, hoặc khi người bị cúm ho, hắt hơi sẽ lây truyền virus trực tiếp sang trẻ thông qua giọt bắn.



- Lây gián tiếp qua bề mặt đồ vật: Khi người bị cúm ho, hắt hơi sẽ làm phát tán virus trên bề mặt các đồ vật. Nếu trẻ tiếp xúc với đồ vật có chứa virus bằng tay và dùng tay đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ bị lây nhiễm virus.

- Lây gián tiếp qua môi trường sống hàng ngày: Môi trường công cộng hoặc nhà trẻ, trường học có nhiều trẻ khác bị cúm, khi ho, hắt hơi, ... sẽ phát tán vào không khí những giọt bắn, dịch có chứa virus.

Bệnh cúm ở trẻ thường lành tính, tuy nhiên bệnh cũng có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm họng, viêm kết mạc, viêm phổi. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi, hệ miễn dịch còn yếu, nếu có bệnh lý nền mắc phải hoặc sức đề kháng kém, nếu bị cúm có thể dẫn đến biến chứng.

2. Trẻ bị cúm có triệu chứng gì?

Triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ thường bị nhầm với cảm lạnh do thời tiết thông thường, tuy nhiên các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn. Sau 1 - 2 bị lây nhiễm, trẻ bị nhiễm virus cúm và mắc bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

- Sốt (>38 độ C).

- Nghẹt mũi, sổ mũi (dịch trong mũi có thể không màu, hoặc có màu vàng, màu xanh).

- Đau họng, ho.

- Nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức khiến trẻ khó chịu, hay quấy khóc, khó ngủ.

- Biếng ăn, nôn mửa, có thể bị tiêu chảy.

Cần lưu ý phân biệt triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ với bệnh cảm:

- Bệnh cúm do virus gây sốt cao, đau đầu, đau nhức khắp cơ thể và các triệu chứng ở đường hô hấp khác.

- Bệnh cảm do thời tiết chủ yếu gây ho, không gây sốt cao.

Phần lớn các triệu chứng của bệnh cúm như sốt có thể thuyên giảm và biến mất sau 5 - 7 ngày, tuy nhiên, trẻ vẫn còn ho và mệt mỏi kéo dài. Sau 10 - 14 ngày, tất cả các triệu chứng thường biến mất hoàn toàn.

3. Làm thế nào khi trẻ em bị cúm?

3.1 Trẻ bị cúm như thế nào thì nên đưa đến bác sĩ?

Nếu trẻ bị cúm với các triệu chứng sau, cha mẹ cần đưa trẻ thăm khác bác sĩ:

- Sốt cao (trên 38.5oC) và liên tục (trên 3 ngày), trẻ được dùng thuốc hạ sốt nhưng không giảm sốt.

- Trẻ bỏ ăn, bỏ uống nhiều ngày, hay nôn.

- Nghẹt mũi kéo dài (trên 14 ngày) hoặc không thuyên giảm.

- Khó thở, thở nhanh.

- Li bì, bị kích thích, co giật

- Đau tai, trong tai có mủ.

- Đau mắt, mắt đỏ, có gỉ vàng.

3.2 Điều trị bệnh cúm ở trẻ

Điều trị bệnh cúm ở trẻ khác với điều trị bệnh cúm ở người lớn. Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh mà cách thức điều trị khác nhau. Nếu bệnh có triệu chứng nhẹ thì trẻ có thể được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại nhà, trong đó chủ yếu là điều trị các triệu chứng:

- Dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao trên 38,5 độ C, uống 4 - 6 giờ/lần.

- Cân bằng nước và điện giải cho cơ thể do sốt cao gây mất nước.

Với những trường hợp nặng hoặc có biến chứng nặng hoặc có yếu tố nguy cơ, trẻ cần được nhập viện để theo dõi, chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh và kết hợp điều trị hồi sức tích cực. Thuốc kháng sinh hoặc kháng virus có thể được chỉ định để điều trị những trường hợp bị bội nhiễm do vi khuẩn.

3.3 Chăm sóc trẻ bị cúm

- Cho trẻ mặc áo quần rộng rãi, thông thoáng, chườm ấm khi trẻ sốt cao.

- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và dễ nuốt cho trẻ. Cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, chia thành các bữa nhỏ để đảm bảo chế độ dinh dưỡng của trẻ.

4. Phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ

Để phòng tránh trẻ em bị cúm, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý:

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên, tắm rửa sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn. Khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi nên dùng khăn giấy che và vứt bỏ, rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho.

- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh và nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau dọn.

- Trong mùa cúm nên hạn chế đến những nơi đông người hoặc tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh.

- Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mỗi năm.

Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh cúm, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Nếu trẻ bị cúm nhẹ có thể được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại nhà. Với những trường hợp nặng, cha mẹ cần theo dõi các biểu hiện và đưa trẻ đến bệnh viện để được xử trí điều trị kịp thời.

Nguồn: NhiKhoa.com